Lượt xem: 1301

Sóc Trăng chú trọng kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản

Trong thời gian qua, các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, làm giảm hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và tác động tiêu cực đến sinh kế của bà con tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản. Tại Sóc Trăng, nhằm xử lý có hiệu quả thực trạng này, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã tăng cường thực hiện công tác kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các mặt hàng thủy sản tại tỉnh nhà.

    Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước đạt khoảng 1.300 hecta; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ trên 850 nghìn hecta. Tổng sản lượng nuôi trồng đạt 8,4 triệu tấn, trong đó có 950 nghìn tấn là tôm nước lợ. Các thị trường nhập khẩu tôm chủ lực của Việt Nam gồm: Hoa kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Nga. Theo kế hoạch năm 2021, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu đạt diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1.300 hecta, có trên 850 nghìn ha nuôi tôm nước lợ. Tổng sản lượng nuôi trồng đạt 8,5 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, dù tình hình COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu; nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn  đạt gần 50 triệu USD, tăng mạnh 45% so với cùng kỳ.


Đoàn liên ngành kiểm tra dư lượng hoá chất kháng sinh tại cơ sở kinh doanh thủy sản.

 

    Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, mặc dù thời gian qua, các địa phương đã nâng cao chất lượng nhiều mặt hàng nhưng vẫn còn một số lô hàng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, bị trả về. Cụ thể trong năm 2020, có 16 lô hàng thủy sản bị cảnh báo chỉ tiêu dịch bệnh; riêng trong 04 tháng đầu năm 2021: có 06 lô hàng thủy sản cảnh báo bị trả về từ Trung Quốc. Qua kiểm tra một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam đã phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, virus đốm trắng. Trước thực trạng khó khăn về rào cản kỹ thuật như việc tăng cường kiểm tra hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng nhưng không vượt mức cho phép; mặc dù cố gắng đạt được kế hoạch đề ra nhưng ngành thủy sản cả nước nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng vẫn đang phải tiếp tục vượt qua những rào cản kỹ thuật bằng cách nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua hoạt động thu mẫu kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi.

    Dư lượng được hiểu là phần còn lại của thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng và sinh sản, chất xử lý môi trường nuôi, các chất độc hại có nguồn gốc từ thức ăn, từ môi trường nuôi và các chất chuyển hoá của chúng tồn lưu trong thuỷ sản nuôi có thể gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong thực phẩm thủy sản bao gồm các tác nhân như: Mối nguy hóa học, mối nguy sinh học và mối nguy vật lý trong thực phẩm có khả năng gây hại đến sức khỏe con người. Với những mối nguy đó, hằng năm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh Sóc Trăng thường xuyên thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi (theo Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT ngày 06/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi). Đồng chí Phương Ngọc Tuyết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Kế hoạch năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt diện tích nuôi tôm là 51.000 ha, sản lượng 172.000 tấn. Đối với Chi cục cũng lên kế hoạch thu 305 mẫu. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Chi cục đã thực hiện thu 104 mẫu. Kết quả 52 mẫu không phát hiện, 3 mẫu tôm chân trắng thương phẩm phát hiện nhiễm kim loại nặng (Cd: 07 ppb; Hg: 08 ppb; Pb: 06-13 ppb), nhưng không vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định, 49 mẫu đang chờ kết quả”.

    Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, an toàn thực phẩm và giá trị hàng thủy sản, những cơ sở nuôi tôm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nguyên liệu tôm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm để cung cấp cho nhà máy chế biến các sản phẩm thủy sản. Nhận thức rõ điều này, các cơ sở nuôi tôm đã nắm bắt được các quy định về việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; phối hợp thực hiện tốt chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm thủy sản theo chương trình của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện. Đơn cử như tại HTX Nông ngư 14/10 ở ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà ý thức của người nuôi có sự thay đổi tích cực, chú trọng hơn chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2015, đây cũng là HTX đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng đạt chứng nhận nuôi tôm VietGAP. Không dừng lại đó, HTX tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dưới sự thúc đẩy của WWF, ICAFIS và Chi cục thủy sản để thực hành nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC nhằm đạt đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Trong quá trình nuôi, các thành viên cùng tổ chức nuôi tôm  theo hướng bền vững, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào ở nơi có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ và chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh; tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi. Ông Ngô Công Luận - Giám đốc HTX Nông ngư 14/10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Thực hành nuôi tôm theo chuẩn ASC, thành viên HTX hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi tôm; nếu gặp trường hợp bắt buộc phải sử dụng kháng sinh, sẽ thực hiện cách ly thật dài và chỉ sử dụng những loại kháng sinh trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Sử dụng đúng liều, đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được thể hiện trên bao bì, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh không có bao bì, không nhãn mác rõ ràng”.

    Riêng ở HTX Nông ngư Hòa Đê tại xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tôm nguyên liệu; từ năm 2018, HTX quyết định chuyển sang hình thức nuôi tôm sử dụng vi sinh, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh. Việc sử dụng chế phẩm sinh học hay các vi khuẩn có lợi là giải pháp tốt hơn nhiều so với việc sử dụng thuốc kháng sinh; vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa giúp tôm không bị sốc do các tác động từ môi trường; đồng thời, ức chế các vi sinh vật gây bệnh trên tôm phát triển. Nhờ vậy, môi trường ao nuôi luôn ổn định, giúp tôm sinh trưởng, phát triển nhanh, đạt tỷ lệ sống cao. Con tôm được nuôi bằng vi sinh còn đảm bảo là sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay và đặc biệt là đối với những nước khó tính như là châu Âu hoặc là Mỹ hay là Nhật. Ông Mã Văn Hồng - Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết thêm: “Lợi ích đối với việc sử dụng vi sinh là hầu như con tôm mình xuất khẩu chưa bao giờ xảy ra trường hợp nhiễm kháng sinh, từ ngày chuyển qua nuôi tôm bằng vi sinh thì việc tiêu thụ tôm của bà con ở HTX rất thuận lợi; được nhiều công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua từ trước khi thu hoạch”.

    Sau thời gian dài đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) lên tầm cao mới, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, kỳ vọng mang đến khá nhiều cơ hội và lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, EVFTA cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức mới trong ngành thủy sản Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng khi tham gia EVFTA như: Các điều kiện về rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; tiêu chuẩn chất lượng; quy tắc xuất xứ chặt hơn; có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của nước ta so với các nước đối tác EVFTA còn kém cạnh tranh hơn về giá thành. Do vậy, cần phải thực sự nỗ lực trong chuỗi cung ứng (cơ sở/trang trại nuôi tôm và doanh nghiệp) để biến thách thức thành cơ hội. Trong đó, các cơ sở/trang trại nuôi tôm phải phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để thực hiện tốt kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trên tôm nuôi nhằm góp phần nâng cao giá trị tôm nuôi, phấn đấu đưa ngành thủy sản nước nhà giữ vững vị trí là một trong bốn nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8304
  • Trong tuần: 79,011
  • Tất cả: 11,802,331